Trong môi trường giáo dục đại học, việc tổ chức và mở rộng các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm là một trong những phương cách hữu hiệu để thu hút, lôi kéo sinh viên tham gia các hoạt động đoàn thể. Đặc biệt là trong môi trường đào tạo theo hệ thống tín chỉ của Trường Đại học Vinh hiện nay, sự liên hệ của sinh viên chủ yếu thông qua các lớp học phần, mỗi sinh viên có cơ hội tham gia nhiều nhóm khác nhau; không có thời khóa biểu cố định cho cả khóa học mà chỉ có lịch trình học tập cho các học phần; sinh viên phải chủ động cao trong việc lựa chọn học phần phù hợp; tự xây dựng cho mình chiến lược và lịch trình học tập; các khái niệm truyền thống như lớp sinh viên, năm học thứ nhất, thứ hai, khoá học này, khoá học kia sẽ trở nên mờ nhạt; có sự cá thể hoá cao độ quá trình học tập; ý thức tập thể, ý thức cộng đồng sẽ giảm sút đáng kể... Việc thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm xuất phát từ những nhu cầu, nguyện vọng, sở thích của sinh viên và sự thay đổi của môi trường (nói lớn hơn là những thay đổi của xã hội) chứ không phải là ý chủ quan của người lãnh đạo.
    Hiện nay, theo báo cáo toàn trường có 25 câu lạc bộ, đội, nhóm đang hoạt động, thu hút 1.874 thành viên tham gia. Tuổi đời nhiều nhất - cùng với năm thành lập Trường (1959) là Đội TNXK và Đội VN xung kích, tiếp đó là Đội CTXH số 1 thành lập năm 1997, CLB Báo cáo viên khoa Chính trị thành lập năm 1999. Tuổi đời ít nhất là CLB Hoa Chăm-pa của khoa Kinh tế thành lập ngày 16/3/2010, CLB Học tập khoa Công nghệ - 02/2010. Còn lại chủ yếu các câu lạc bộ, đội, nhóm được thành lập trong giai đoạn 2008 - 2009. So với năm 2007, số lượng câu lạc bộ, đội, nhóm đang hoạt động trong trường đã tăng gấp 5 lần.
    Hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm toàn trường hiện nay chủ yếu tập trung vào các dạng sau:
    Học thuật. Gồm:
            - CLB Báo cáo viên khoa Chính trị
            - CLB Phản ứng nhanh khoa CNTT
            - CLB V-Network khoa CNTT
            - CLB Hoá thực phẩm khoa Hoá
           - CLB Du lịch khoa Lịch sử
            - CLB Sứ giả Việt Nam khoa Lịch sử
            - CLB Thực hành pháp luật khoa Luật
            - CLB Nghệ thuật khoa Tiểu học
            - CLB Học tập khoa Công nghệ
            - Nhóm Học - Chơi lớp 49B2 Luật
    Hầu hết các câu lạc bộ, đội, nhóm thuộc nhóm này đều đã tổ chức được các sinh hoạt chuyên môn định kỳ. Ngoài ra còn tổ chức cho các thành viên làm cộng tác viên vụ việc, thực hành, thực tế, tham gia lớp tiếng Anh chuyên ngành; thu nhận, trao đổi tài liệu, giáo trình của sinh viên các khoá...
    Tình nguyện. Gồm:
            - Đội CTXH số 3 khoa Chính trị
            - Đội SVTN khoa Địa lý tại Làng trẻ SOS
            - Đội SVTN khoa Lịch sử tại Làng trẻ SOS
            - CLB "Hoa Chăm-pa" khoa Kinh tế
            - Đội SVTN khoa Địa lý giúp đỡ LHS Lào
            - Đội SVTN khoa Luật giúp đỡ LHS Lào
            - Đội CTXH khoa Lịch sử
            - Nhóm Hi vọng khoa Lịch sử
            - CLB Ước mơ xanh khoa Ngữ Văn
            - Đội SVTN khoa Sinh
    Các câu lạc bộ, đội, nhóm thuộc nhóm này chuyên tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực như: Quyên góp ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai; tổ chức và tham gia các hoạt động xã hội cộng đồng, giáo dục môi trường, giáo dục giới tính trên các địa bàn dân cư, các trường tiểu học, THCS, Làng trẻ em SOS Vinh, tại Hội Người mù tỉnh, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người tàn tật Nghệ An; giúp rèn luyện tiếng Việt, nâng cao kết quả học tập chuyên ngành và giáo dục thể chất cho lưu học sinh Lào... Các hoạt động trên được dư luận và xã hội đánh giá cao.
    Theo các hoạt động đặc thù. Gồm:
            - Đội Thanh niên xung kích
            - Đội Văn nghệ xung kích
            - Đội CTXH số 1 tại Làng trẻ em SOS Vinh
            - CLB Hiến máu tình nguyện
            - Đội Kiểm tra NSVH khoa Chính trị
    Các câu lạc bộ, đội, nhóm thuộc nhóm này được thành lập theo chủ trương của Đoàn, Hội cấp trên, thực hiện các công việc, các hoạt động được định hướng trước.
    Một số đặc điểm cơ bản, cũng như những thuận lợi, khó khăn của hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm tại Trường Đại học Vinh:
    1. Việc thành lập câu lạc bộ, đội, nhóm có thể được tổ chức ở cấp trường, cấp khoa, thậm chí cấp lớp; hoặc liên khoa, liên lớp... Ví dụ:
    - Cấp trường có Đội TNXK, Đội VN xung kích, Đội CTXH số 1...
    - Cấp khoa có CLB Hoa Chăm-pa khoa Kinh tế, CLB V-network khoa CNTT, CLB Nghệ thuật khoa Tiểu học...
    - Cấp khoa và có dạng liên khoa có CLB Thực hành pháp luật khoa Luật, CLB Báo cáo viên khoa Chính trị...
    - Cấp khoa và có dạng liên lớp có CLB Du lịch khoa Lịch sử, CLB Hoá thực phẩm khoa Hoá...
    - Cấp lớp, liên lớp có Nhóm Học - Chơi của 49B2 Luật, Nhóm Hi vọng khoa Lịch sử với chủ công là 49B2 CTXH, CLB Ước mơ xanh của 50A Ngữ Văn...
    2. Việc thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm nhằm tạo môi trường cho các thành viên có cơ hội làm việc theo nhóm, hình thành và trau dồi kỹ năng mềm; củng cố, bổ sung kiến thức chuyên ngành ngoài các giờ học trên lớp và tự học.
    3. Ban Chủ nhiệm, Ban Điều hành, Ban Cán sự các câu lạc bộ, đội, nhóm trong toàn trường chủ yếu là sinh viên. Chỉ duy nhất Câu lạc bộ Thực hành pháp luật khoa Luật là có giảng viên trong khoa tham gia Ban Điều hành câu lạc bộ.
    4. Hầu hết các câu lạc bộ, đội, nhóm đều đã và đang cố gắng tổ chức sinh hoạt theo định kỳ và theo thời gian đều có sự gia tăng thành viên trong đơn vị. Đáng chú ý là nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm có sự tham gia và tham gia có hiệu quả của lưu học sinh Lào.
    5. Phần lớn câu lạc bộ, đội, nhóm đều mới thành lập và tổ chức hoạt động nên chưa làm được nhiều việc và chưa đóng góp được nhiều vào hoạt động chung.
    6. Là hệ quả tất yếu của môi trường đào tạo theo hệ thống tín chỉ, nhưng hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm cũng gặp phải những khó khăn của chính môi trường đào tạo tín chỉ, nhất là trong công tác tổ chức hoạt động. Các câu lạc bộ, đội, nhóm thường rất khó khăn trong việc tập hợp thành viên để tổ chức các hoạt động lớn, cần huy đồng nhiều người trong đơn vị do các thành viên có lịch học, thực hành, thực tế... khác nhau nhiều...
    7. Kinh phí hoạt động và các cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn tài chính phục vụ hoạt động chủ yếu là từ đóng góp của các thành viên, cơ sở vật chất, phòng ốc phải đi mượn, thuê tốn kém và phiền phức.
    Trong thời gian qua, Đoàn, Hội các cấp đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho câu lạc bộ, đội, nhóm hoạt động; xem chương trình hoạt động của câu lạc bộ, đội, nhóm như hoạt động của đơn vị. Cụ thể: Câu lạc bộ, đội, nhóm lên kế hoạch và tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề, tọa đàm, hội thảo, hội thi, thi đấu, triển lãm, biểu diễn, lưu diễn tại các đơn vị... Kinh phí tổ chức hoạt động chủ yếu từ hai nguồn: cấp Đoàn, Hội chủ quản và đóng góp của đội viên. Điều này đã tạo ra một sân chơi thật sự cho câu lạc bộ, đội, nhóm; cũng từ các hoạt động này, các thành viên có dịp phát triển tài năng, năng khiếu, sở thích cũng như nâng cao được kiến thức chuyên môn, nâng cao trình độ quản lý, tổ chức hoạt động của Ban Chủ nhiệm, Ban Điều hành, Ban Cán sự. Ngoài ra,     Đoàn, Hội các cấp cũng đã khuyến khích và tạo điều kiện cho câu lạc bộ, đội, nhóm đứng ra tổ chức hoạt động và tham gia vào các hoạt động. Điều này làm cho câu lạc bộ, đội, nhóm có một sức thu hút rất lớn đối với sinh viên, đồng thời cũng tạo được uy tín cho hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm.
    Các đề xuất, kiến nghị:
    1. Đoàn, Hội các cấp có chế độ thi đua, khen thưởng đầy đủ, kịp thời cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp và đạt thành tích trong hoạt động của câu lạc bộ, đội, nhóm hàng năm; hoặc theo chủ đề, chủ điểm hoạt động.
    2. Hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện về cơ sở vật chất để các câu lạc bộ, đội, nhóm duy trì và tổ chức tốt hơn nữa các hoạt động.
    3. Tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động chung để các câu lạc bộ, đội, nhóm được giao lưu, học hỏi và tạo cơ hội cho các thành viên thể hiện mình.
    4. Có thể cho phép các câu lạc bộ, đội, nhóm được tham gia hoạt động cấp trường như một cá thể độc lập.
    Việc thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm là hệ quả tất yếu của môi trường đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Là môi trường tốt để các sinh viên tham gia hoạt động này có cơ hội thể hiện mình; được làm quen và rèn luyện các kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm; tổ chức và điều hành các hoạt động cộng đồng; kỹ năng đặt vấn đề, diễn thuyết, viết, nói trước đám đông. 
    Muốn thành lập, mở rộng và duy trì tốt hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm, trước hết Đoàn, Hội các cấp phải có các phương án phát triển, quản lý, điều hành và định hướng hiệu quả đối với hoạt động này, hướng các hoạt động chủ yếu vào việc giáo dục, rèn luyện, hỗ trợ sinh viên; tích cực hỗ trợ và kêu gọi nguồn lực hỗ trợ cho các câu lạc bộ, đội, nhóm hoạt động. Thứ hai, bản thân các câu lạc bộ, đội, nhóm cũng phải biết cách tổ chức được nhiều hoạt động mới, thực sự bổ ích, thiết thực, hấp dẫn dành cho các thành viên, qua đó lôi kéo sinh viên khác đăng ký tham gia vào hoạt động. Việc này vừa giúp duy trì hoạt động của chính câu lạc bộ, đội, nhóm, vừa góp phần mở rộng quy mô và hoạt động của đơn vị. Thứ ba, Đoàn, Hội các cấp và ban điều hành, ban cán sự, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ, đội, nhóm cần có chiến lược quảng bá hoạt động của câu lạc bộ, đội, nhóm; đồng thời, sinh viên cần nghiên cứu kỹ càng để đăng ký và tham gia có hiệu quả, bền vững các hoạt động của câu lạc bộ, đội, nhóm. Sinh viên vừa là thành viên tham gia vừa chính là nhân tố tích cực để duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm.
 
    Sau đây là một số hình ảnh của Liên hoan câu lạc bộ, đội, nhóm Trường Đại học Vinh lần thứ nhất - năm 2010:
Phần trò chơi cộng đồng
 
Kéo co
 
 
 
 
 
 
 
Truyền tin
 
 
 
"Buôn bóng bay"
 
 
 
 
 
 
 
 
Báo cáo tổng kết hoạt động, trao thưởng các tập thể, giải thưởng trò chơi và giao lưu văn nghệ
 
Đ/c Nguyễn Quốc Dũng - Chủ tịch Hội SV trường báo cáo hoạt động
của các CLB, đội, nhóm năm học 2009 - 2010
 
Các đại biểu dự hoạt động
 
Đ/c Nguyễn Hồng Soa - Bí thư Đoàn trường trao thưởng cho các tập thể
đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động CLB, đội, nhóm năm học 2009 - 2010
 
Đ/c Lê Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội SV trường trao giải thưởng trò chơi Kéo co
 
Đ/c Lê Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội SV trường trao giải thưởng trò chơi Truyền tin
 
Đ/c Lê Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội SV trường trao giải thưởng trò chơi "Buôn bóng bay"
 
Đ/c Lê Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội SV trường trao giải thưởng trò chơi "Mãnh lực tình yêu"
 
Giao lưu văn nghệ của CLB Nghệ thuật (khoa Tiểu học)
 
Giao lưu văn nghệ của CLB "Hoa Chăm-pa" (khoa Kinh tế)
 
Kịch "Chí Phèo bỏ thuốc" của Đội CTXH số 3 (khoa Chính trị)

Bài: Quốc Dũng; Ảnh: Minh Giang, Minh Nghĩa