Anh Lê Quốc Phong, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam đã nói với những sinh viên tình nguyện trường ĐH Vinh rằng, các bạn về xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An để hoạt động tình nguyện, khi đi, các bạn đừng quên bàn giao lại các công trình, phần việc của mình cho xã, đừng quên nữa là gửi lại các thói quen với những hành động đẹp và hơn hết, các bạn để lại chất men của cuộc sống cho những nơi mình đã bước chân qua.
Những trải nghiệm chưa từng có trong đời
Đậu Hồng Thái (lớp 52B1, ngành Khoa học môi trường, trường ĐH Vinh) là đội trưởng của đội tình nguyện ở xã Đức Thành. Thái bảo, đa số thành viên trong đội là sinh viên năm thứ nhất, có bạn nữ, quê ở tận Lâm Đồng xa xôi và với hầu hết các bạn, đây là chuyến đi tình nguyện đầu tiên trong đời. Không ít người trong đội chưa từng bước chân đến những vùng gian khó, vốn chỉ quen với cuộc sống thị thành, chưa từng một lần biết nấu cơm, nhặt củi, chỉ vốn quen với cuộc sống được bao bọc, đủ đầy. Nhưng tuổi trẻ thì cần dấn thân và trải nghiệm.
Anh Lê Quốc Phong, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trao quà cho đội trưởng Đậu Hồng Thái của đội tình nguyện tại Đức Thành.
Ngày đầu tiên đến Đức Thành, mưa giăng nghẽn lối, Thái và các bạn được đưa đến tập trung ở đình làng. 30 người tập trung ở một gian lớn trong đình. Đội hình chênh lệch ghê gớm về giới tính, với 22 nữ và 8 nam. Đêm đầu tiên, nằm nghe mưa rả rích, nhiều bạn không ngủ được. Tuần đầu, có vài bạn nữ nhớ nhà, ngồi bó gối ở góc cửa nhìn mưa, nước mắt vòng quanh. Ngày thứ hai ở đình, cả đội hốt hoảng vì tiếng kêu thất thanh của một bạn nữ khoa Sư phạm Sinh: “Rắn, rắn, rắn!…”. Theo tay chỉ và tiếng hô đứt đoạn vì sợ hãi, cả đội nhìn lên trên xà ngang của ngôi nhà lợp ngói, thấy một con rắn đang nằm vắt vẻo. Hội con gái co rúm lại. Con trai bình tĩnh hơn, đã kịp gọi điện cho các anh trong Đoàn xã, sang ứng cứu. Và rồi, người ta cũng tìm cách đuổi được con rắn ấy đi nhưng ở những nơi như thế này, không ai đảm bảo là sẽ không có con rắn thứ hai, thứ ba… xuất hiện. Đoàn xã lại rục rịch dọn đồ giúp đội tình nguyện, chuyển sang ở tại Ủy ban Nhân dân xã. Đội được cấp 3 gian nhà kho cũ để đựng đồ. Hội trường có quạt mát, sẽ được chọn làm nơi ngủ. Nơi này đương nhiên không có giường, chỉ có ghế xếp lại thành giường mà thôi.
Đêm đầu tiên ngủ ở Ủy ban, đã lại có sự cố. Nguyễn Thị Hiền (K54A1 khoa Sinh) kể lại. Cuộc sống tình nguyện đương nhiên là vất vả và thật lòng, chúng mình muốn chọn điều vất vả ấy để tôi luyện bản thân. Đêm hôm ấy, ai cũng mệt và ngủ li bì, riêng Hiền vẫn trằn trọc. Trong ánh sáng yếu ớt của căn phòng, Hiền nhìn thấy một người đi chậm rãi đến từng góc ngủ. Vì mới gặp nhau nên Hiền chưa thuộc mặt nhớ dáng của từng người trong đội. Nhưng không lẽ là trộm? Mà sao trộm lại đi lật chăn của từng bạn lên thế kia? Mà sao trộm lại đi chậm rãi đến thế? Rồi như có điều gì thôi thúc Hiền bật dậy và lay gọi người bên cạnh. Người lạ kia lặng lẽ đi ra ngoài và vẫn chậm chạp như cũ. Rồi nhiều người cùng tỉnh dậy. Cả đội kiểm tra lại đồ đạc và thấy mất 2 máy điện thoại. Đội trưởng đi báo công an xã nhưng điện thoại vẫn cứ một đi không trở lại. Từ sau hôm ấy, đội trưởng Thái phải cắt cử các nhóm thay nhau trực. Đêm nào cũng có người thức để trông cho các bạn ngủ. Cứ 2 – 3 tiếng lại đổi ca trực một lần. Những khó khăn bắt đầu được tháo gỡ dần: Con gái thiếu nước tắm đã có con trai xách hộ, nếu thiếu củi thì cứ 2 ngày lại có một đội lên rừng kiếm… Đội tình nguyện chia làm 3 tổ: 2 tổ đi hoạt động mỗi ngày và 1 tổ lo chuyện hậu cần. Và chẳng còn gì khó khăn thêm nữa khi những chàng trai cô gái 18, 19 tuổi tự biết sắp xếp và ổn định cuộc sống cho mình. Cuộc sống thường nhật nơi thành phố không giúp các bạn có được những điều đó.
Nắng tháng Bảy ở xứ Nghệ không phải chuyện đùa. Chỉ cần cầm cuốc, xẻng xuống đường chừng một tiếng là áo xanh nào cũng ướt sũng. Vậy mà mặc áo xanh đi trên đường quê, khi những người dân 2 bên đường nói với bọn con nít rằng: “Đấy, các cô chú tình nguyện đi giúp dân đấy!” là cảm giác của Phạm Bá Nam lại bồi hồi. Phạm Bá Nam học lớp 53A khoa Toán, trường ĐH Vinh. Gia đình cậu ở TP. Thanh Hóa. Bố mẹ Nam đều là những giáo viên có tiếng. Gia đình Nam khá giả và đương nhiên Nam chưa từng cầm cuốc xẻng để lao động chân tay và thậm chí, chưa từng biết nấu cơm bằng bếp củi bao giờ. Vậy mà ở đây, cậu ấy biển đổi thành một người khác. Nam kể: “Lần đầu tiên cầm cuốc, quả thật có lóng ngóng, may mà Nam không cuốc nhầm vào chân bạn nào và đến bây giờ thì Nam đã có thể làm mọi việc thuần thục rồi. Lần đầu tiên Nam phụ trách nấu cơm bằng bếp củi, cả đội phải ăn cơm khê nhưng may mắn làm sao, sau 5 lần Nam vào bếp thì cả đội đã có cơm dẻo canh ngọt để ăn. Bạn nhìn đi, mới sau 2 tuần ở Đức Thành, chân tay Nam đã đầy những vết sẹo. Nhưng với Nam, đó là những vết sẹo đánh dấu sự trưởng thành. Sau mùa tình nguyện, mọi người sẽ gặp một Phạm Bá Nam rắn rỏi trở về!”.
Lớp học yêu thương
Ngoài các phần việc như quét vôi, cải tạo nghĩa trang liệt sĩ, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tuyên truyền… thì nhiệm vụ chính của đội hình tình nguyện ở Đức Thành là mở các lớp ôn tập Hè cho thiếu nhi nơi đây. Nhà văn hóa xóm Bắc Sơn là một trong những lớp học Hè như thế. Vì là nhà văn hóa xóm nên diện tích nhỏ hẹp, không có bàn chuyên dụng để ngồi học, trẻ con dùng 5 chiếc ghế dài kê làm bàn. Lớp học sơ sài vậy mà hôm nào cũng kín chỗ, 20 – 30 bạn cùng đến lớp ê a đọc chữ, ghép vần. Năm cô giáo tương lai là sinh viên của trường ĐH Vinh được phân công phụ trách một lớp như thế. Sáu cháu ngồi trên một chiếc ghế thấp và dài, trình độ thì mỗi cháu một lớp khác nhau, học một quyển sách khác nhau, vậy mà cả cô và trò say sưa không dứt.
“Chị cô giáo” thuyết phục học trò vào lớp ở Nhà văn hóa xóm Bắc Sơn.
Nguyễn Thị Hiền kể: “Bọn trẻ con ở đây đáng yêu quá đỗi! Chúng nhút nhát, rụt rè, thậm chí, có những bé gặp khó khăn trong việc học, đánh vật mãi mà không làm nổi một phép tính cộng 2 chữ số. Nhưng hết thảy đều yêu quý các “chị cô giáo” vô bờ bến. Vì phải luân chuyển qua các xóm nên có những lớp, mình chỉ đến một lần. Vậy mà hôm sau, học sinh đã nhao nhao lên: “Chị Hiền có đến lớp không anh chị ơi? Chúng em nhớ chị Hiền!”. Có một cậu bé tên là Hưng, ở xóm Trung Nam, thông minh và nhanh nhẹn lắm, khi thấy mình không quay trở lại lớp là muốn tìm “chị cô giáo hôm qua” cho bằng được. Với hoạt động này, bọn mình được trải nghiệm những công việc đúng chuyên ngành Sư phạm của mình. Và mình thấy trân trọng nghề nghiệp biết bao, có lúc, cảm động muốn khóc khi phụ huynh của mấy đứa nhỏ sau giờ làm đồng áng, chạy qua thăm “chị cô giáo”, mang theo nải chuối, vài quả ổi, mận hay dăm củ khoai”.
Cả lớp học có một chiếc quạt, nhiều hôm, trời nóng, phụ huynh lại mang quạt sang hỗ trợ cho cả cô lẫn trò. Có những chiều nóng nực, cả xã Đức Thành mất điện, “chị cô giáo” vừa ngồi cầm tay đưa nét chữ, vừa phe phẩy quạt nan cho những học trò nhỏ. “Những hình ảnh ấy đã gieo vào lòng trẻ nhỏ nơi đây những điều tốt lành và ấm áp. Rồi hy vọng, mai đây, lũ trẻ cũng biết giúp đỡ người khác như các anh chị tình nguyện đã làm ở mảnh đất này”, Bí thư Đoàn xã Đức Thành đã nói thế.
Anh Lê Quốc Phong khi đến thăm và tặng quà đội sinh viên tình nguyện trường ĐH Vinh ở xã Đức Thành đã hỏi: “Các bạn có được hỗ trợ gì trong đợt tình nguyện này chưa?”. “Dạ chưa, chúng em tình nguyện đi, tình nguyện đóng góp 100% kinh phí, mỗi bạn tự đóng 950.000 đồng ạ”. “Vậy rồi mỗi ngày các bạn dành bao nhiêu tiền đi chợ? Món ăn gì là chủ đạo?”. “Dạ, 300.000 đồng/ngày tiền đi chợ cho cả đội, anh ạ. Nghĩa là mỗi người có 5.000 đồng một bữa. Món chủ đạo là lạc rang và rau muống…”.
Gian khó dạy chúng ta khôn lớn. Đó là lý do vì sao, khi chúng tôi gặp những gương mặt tình nguyện này, chỉ thấy trên môi họ nở những nụ cười. Họ đã bước đi trên chặng đường tuổi trẻ của mình bằng những việc làm nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Và buổi tối hôm ấy đã có bạn “treo” lên “tường” Facebook của mình một câu nói nổi tiếng của Paven trong Thép đã tôi thế đấy, rằng: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”.
SAN HẢI