Đầu năm 2010, Câu lạc bộ "Hoa Chăm-pa" do Liên chi hội khoa Kinh tế (Trường ĐH Vinh) được thành lập với mục đích "Rèn luyện tiếng Việt, nâng cao kết quả chuyên ngành và giáo dục thể chất" cho những lưu học sinh Lào đang theo học tại Trường ĐH Vinh. Hiện nay, câu lạc bộ đang quản lý 34 nhóm tình nguyện với 646 tình nguyện viên. Đều đặn vào các buổi tối thứ 2, 4, 6 trong tuần, CLB luân phiên cắt cử thành viên đến khu ký túc xá của lưu học sinh Lào giúp đỡ sinh viên nước bạn học tiếng Việt; kèm cặp các môn học đại cương; hướng dẫn các bạn học các môn chuyên ngành.



Giờ thực hành của sinh viên khoá 51, khoa Hoá - Trường Đại học Vinh. 
Ảnh: Sỹ Minh

Ngoài ra, để giúp các lưu học sinh Lào mạnh dạn trong giao tiếp, sớm hòa nhập với môi trường học tập mới, CLB còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa: Chương trình "Ngày hội hoa Chăm-pa", hoạt động quyên góp "Sưởi ấm mùa đông biên giới" ủng hộ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập tặng cho học sinh nghèo miền Tây xứ Nghệ; tổ chức hội thi "Giọng hát hay lưu học sinh Lào"... Sinh viên Syrvonre (lưu học sinh Lào đến từ tỉnh Xiêng Khoảng) hiện đang học lớp Sư phạm Toán, ĐH Vinh, cho biết: "Hiện sinh viên Lào đang theo học tại Trường ĐH Vinh lên đến 350 người. Sống xa gia đình, xa đất nước, xa lạ với môi trường, bất đồng ngôn ngữ... là rào cản lớn, khiến không ít sinh viên ngại tiếp xúc, thụ động trong học tập.

Rất may, chúng em đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, tận tâm của các bạn sinh viên trong CLB "Hoa Chăm-pa". Nhờ đó, chúng em tiến bộ rất nhanh trong tiếp thu tiếng Việt và các môn chuyên ngành... Chúng em thật sự cảm động, biết ơn các tình nguyện trong CLB". Còn đối với các tình nguyện viên CLB thì việc giúp đỡ các lưu học sinh Lào, ngoài gắn chặt tình đoàn kết, hữu nghị thì các bạn nhận được là kỹ năng sống, là thêm một lần được củng cố lại kiến thức của mình...

Mô hình đội nhóm ra đời sớm nhất ở ĐH Vinh là Đội công tác xã hội số 1 (được thành lập năm 1997), hiện có trên 170 sinh viên ở 6 khoa tham gia. Đây là mô hình tình nguyện thường xuyên của trường, địa bàn hoạt động là Làng trẻ SOS. Mỗi năm, đội có 3 đợt tình nguyện ở làng trẻ với các hoạt động: hướng dẫn, kèm cặp các em trong làng về học tập; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, TDTT; vệ sinh môi trường, khuôn viên của làng...

Sinh viên Mai Thị Hồng Giang - Đội trưởng Đội công tác xã hội số 1, cho biết: "Tham gia CLB, chúng em trưởng thành lên rất nhiều. Biết san sẻ tình yêu thương, sống có trách nhiệm với cộng đồng, biết "cho đi" những gì mình có và "nhận lại" những thứ mình đang thiếu... Chính hoạt động của đội đã giúp chúng em hoàn thiện nhân cách, biết mở lòng trước những hoàn cảnh bất hạnh...".

Anh Lê Minh Giang, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Vinh cho biết: "Hiện tại toàn trường có 34 câu lạc bộ, đội, nhóm với lượng thành viên trên 2.500 sinh viên. Việc thành lập và mở rộng các mô hình CLB đội, nhóm, ngoài thu hút tập hợp hội viên, còn là phương thức hữu hiệu nhất để tạo thói quen cho sinh viên làm việc theo nhóm, hình thành và trau dồi kỹ năng mềm; củng cố, bổ sung các kiến thức chuyên ngành.

Đặc biệt, các mô hình này đều do sinh viên đứng đầu, các em tự lên kế hoạch và tổ chức hoạt động, nên qua đó, các em đã thể hiện khả năng làm việc khoa học; bản lĩnh, sự sáng tạo, bộc lộ sở trường của mình, từ đó trưởng thành hơn trong mỗi hoạt động. Thực tế cho thấy, sinh viên sau khi tham gia sinh hoạt, hoạt động ở các tổ, nhóm, CLB thường chững chạc, tự tin hơn những sinh viên khác... Trong tổng số 1.139 sinh viên được tham gia lớp học cảm tình đảng và 263 sinh viên được kết nạp vào Đảng trong năm học vừa qua, hầu hết đều trưởng thành từ mô hình CLB đội, nhóm."

 

Duy Nam