Bộ GD – ĐT vừa ban hành hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, năm 2015. Theo đó, việc xét tuyển vào các trường sẽ có rất nhiều thuận lợi cho thí sinh.
Công bố kết quả thi trước ngày 1/8
Năm 2015, thí sinh sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Điều kiện để xét tuyển là tổng điểm các môn thi của tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển không thấp hơn điểm xét tuyển do trường quy định, không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống. Với các trường có tổ chức sơ tuyển và các trường có tổ chức thi môn năng khiếu, cần xây dựng kế hoạch sơ tuyển hoặc thi các môn năng khiếu đảm bảo có kết quả sơ tuyển hoặc thi năng khiếu trước ngày 1/8 và cập nhật vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia sau khi có kết quả. Các trường tuyển sinh riêng thì tổ chức tuyển sinh theo Đề án tự chủ tuyển sinh đã được Bộ GD – ĐT phê duyệt.
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. (Ảnh: Văn Chung)
Về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, Bộ nêu rõ mức điểm ưu tiên xác định theo quy định được tính đối với thang điểm 10 và tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 30. Trong trường hợp nhân hệ số môn thi chính, các trường phải quy đổi điểm xét tuyển về thang điểm 10 trên, sau đó, tiến hành cộng điểm ưu tiên hoặc phải quy đổi điểm ưu tiên về thang điểm mà trường đang sử dụng. GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT, cho biết thêm, các trường đại học chủ trì cụm thi phải hoàn thành việc chấm thi, gửi đĩa dữ liệu kết quả thi về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, trước 20/7/2015. Các trường đại học, cao đẳng công bố tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào, kết quả thi của thí sinh trên mạng Internet và trên các phương tiện thông tin đại chúng, trước ngày 1/8/2015.
Công bố kết quả trúng tuyển tạm thời
Trước mỗi đợt xét tuyển, các trường thông báo công khai trên website các nội dung: Chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành đối với đợt xét tuyển đó. Tổ hợp các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành. Những ngành trường đã tuyển sinh từ năm 2014 trở về trước phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống. Cách xử lý khi các thí sinh có cùng điểm xét tuyển, các điều kiện bổ sung…
Bộ cũng cho phép thí sinh chỉ được sử dụng “Giấy chứng nhận kết quả thi” dùng xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) để đăng ký vào một trường đại học hoặc cao đẳng. Mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong thời gian 20 ngày xét tuyển NV1, thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác. Các nguyện vọng từ 1 đến 4 trong một trường của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Thí sinh đã trúng tuyển NV1, không được đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh được dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào 3 trường đại học, cao đẳng. Mỗi trường, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng, xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong thời gian
của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển vào các đợt tiếp theo. Nếu thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được xét tuyển ở đợt tiếp theo. Bộ GD – ĐT yêu cầu các trường ít nhất mỗi ngày một lần phải cập nhật danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển và danh sách thí sinh rút hồ sơ vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia, nhận dữ liệu của thí sinh từ hệ thống để xét tuyển.
Các trường … than khó
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết, Bộ quy định những ngành trường đã tuyển sinh từ năm 2014 trở về trước phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống, thế nhưng điều này rất khó thực hiện. Năm nay, một ngành có tới 4 tổ hợp xét tuyển. Khi nhận hồ sơ, các trường sẽ rất khó ước lượng được tổ hợp xét tuyển mới hay khối thi truyền thống. Việc này càng khó thực hiện hơn đối với các trường ít thí sinh đăng ký xét tuyển.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng, thời gian xét tuyển chỉ có 20 ngày/đợt mà Bộ yêu cầu các trường công khai thông tin, danh sách thí sinh nộp hồ sơ, cho phép thí sinh rút hồ sơ, cập nhật danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển và danh sách thí sinh rút hồ sơ vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia, nhận dữ liệu của thí sinh từ hệ thống để xét tuyển là quá khó. “Điều này sẽ gây quá tải cho các trường, nhất là các trường có nhiều thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển”, ông Lý nói.
Trả lời vấn đề này, GS. TSKH Bùi Văn Ga cho biết, việc xét tuyển có thể gây khó khăn cho các trường nhưng phải nghĩ cho quyền lợi của thí sinh. Các trường phải tăng cường nhân sự để thực hiện đúng quy định của Bộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh xét tuyển.■
QUANG DUY