ĐỨNG ĐẦU DẬY TRƯỚC
Lần giở lại những trang sử về giai đoạn cam go, thử thách của cách mạng nước ta cách đây 91 năm, mới hay rằng ngay từ đầu lực lượng thanh niên Nghệ An đã mau đứng đầu dậy trước. Cuối thập kỷ 20, đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh của công nông toàn quốc bùng lên mạnh mẽ. Ở Nghệ An, chỉ tính riêng từ cuối năm 1929 đến tháng 4/1930, toàn tỉnh nổ ra 15 cuộc đấu tranh.
Tranh vẽ Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ngay cuộc biểu tình ở Vinh - Bến Thủy ngày 1/5/1930 của khoảng 1.200 công nhân, nông dân, sự kiện mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931 trên mảnh đất xứ Nghệ, một thanh niên tên là Trần Cảnh Bình đã anh dũng cầm cờ đi đầu. Cùng ngày tại Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Thanh Chương, hơn 100 học sinh đã tập hợp tại quán Ngũ Phúc (Võ Liệt) để tổ chức mít tinh nhân ngày Quốc tế Lao động rồi diễu hành thị uy quanh huyện lỵ, qua huyện đường Thanh Chương.
Lịch sử Đoàn Thanh niên tỉnh Nghệ An còn ghi lại rằng, trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, dù bị nhà cầm quyền đương thời dùng nhiều thủ đoạn đàn áp song đã có nhiều cuộc bãi khóa, biểu tình do thanh niên, học sinh mà phần đông xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản và các tầng lớp nhân dân lao động tổ chức để biểu thị các ý kiến của mình. Ví như, ngày 24/9/1930, 500 học sinh Trường Trung học Vinh bị đuổi học vì đã tổ chức biểu tình hưởng ứng với các làng Xô viết.
Ngày 28 và 30/9/1930, có 2 cuộc biểu tình của thanh niên lao động ở Thanh Chương, Nam Đàn chống phản động. Ngày 25/10/1930, học sinh Nghi Lộc tham gia cuộc biểu tình của nông dân. Tháng 12/1930, ở Ngũ Phúc, Cao Điền (Thanh Chương), thanh niên đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình. Nhiều trường học ở Vinh, Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc… bị tê liệt, phải đóng cửa vì học sinh tham gia hoạt động yêu nước. Lúc đó có đến 130 học sinh cả nam và nữ, rồi giáo viên bị địch bắt tù đày…
Một đường phố ở Vinh những năm 20 của thế kỷ XX. Ảnh tư liệu, nguồn Flickr Ở nhiều vùng Xô viết, các em thiếu nhi cũng được tổ chức vào các đội Đồng Tử quân, tiêu biểu như ở làng Trung Cần, nay thuộc xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn). Các em đã sử dụng tín hiệu để hoạt động liên lạc giúp Xã bộ nông hay báo hiệu khi địch vào làng khủng bố.
Cao trào cách mạng 1930 - 1931 thu hút một lực lượng lớn thanh niên, đoàn viên tham gia; theo thống kê mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết trong Thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 20/4/1931, ở Nam Đàn có 641 đoàn viên, Thanh Chương có 78 đoàn viên, Anh Sơn có 35 đoàn viên… Xứ ủy Trung kỳ cũng cho biết, đến tháng 5/1931, ở Nghệ An đã có 2.356 đoàn viên, thanh niên cộng sản.
NGÃ XUỐNG CHO LÝ TƯỞNG
Tại Nghệ An, Đoàn Thanh niên phát triển mạnh nhất đúng vào giai đoạn khủng bố điên cuồng của địch trong cao trào cách mạng 1930 - 1931. Theo đó, thực hiện Nghị quyết Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Trung kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Phan Đình Đồng được chỉ định làm Bí thư Tỉnh đoàn và đồng chí Nguyễn Gia Tường được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn đầu tiên của Nghệ An vào năm 1931.
Chân dung đồng chí Lê Mao - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy (ảnh trái) và đồng chí Nguyễn Tiềm - Bí thư Tổng Sinh hội Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Ảnh tư liệu Giữa bộn bề chông gai, thử thách, nhiều thanh niên ưu tú đã trưởng thành, đóng vai trò quan trọng trong phong trào cách mạng. Nhiều người đã anh dũng hy sinh cho lý tưởng cộng sản, trong đó có các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy và Tỉnh ủy như: Lê Mao - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy hy sinh khi tuổi đời vừa mới 26; Nguyễn Tiềm - Bí thư Tổng Sinh hội Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ hy sinh ở độ tuổi 21; Hoàng Văn Tâm - Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc hy sinh ở tuổi 27; Cao Xuân Quế - một đoàn viên thanh niên cộng sản và là đội viên Tự vệ đỏ ở xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) đã anh dũng hy sinh ở tuổi 17;…
Trong cao trào cách mạng 1930 -1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, lực lượng thanh niên yêu nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp thanh niên đã đứng lên đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng, đúng như tinh thần trong bài viết cổ động với chủ đề “Nói chuyện với thanh niên” của đồng chí Đặng Chính Kỷ - Cán bộ phụ trách Ban Tuyên truyền cổ động Tỉnh ủy Nghệ An, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Nam Đàn năm 1930. “… Kìa ngọn cờ tranh đấu đã phấp phới giữa hoàn cầu. Nọ làn sóng dân quyền đã tràn lan trong bốn bể. Xin anh em thanh niên hãy mau mau đứng dậy! Dốc một lòng dũng cảm, quyết một chí hy sinh. Đổ máu đào để đòi lại lợi quyền, phất cờ đỏ để sửa sang lại nền xã hội…”, đồng chí Đặng Chính Kỷ viết.
Xô viết Nghệ Tĩnh là dấu son chói lọi trong pho sử bằng vàng của Đảng ta. Tuy bị dìm trong máu lửa nhưng qua cao trào đã rèn luyện, tập dượt lực lượng cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Thanh niên Nghệ An rất đỗi tự hào đã đóng góp công sức, xương máu trong cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Người lao động làm việc trong nhà máy ở Bến Thủy những năm 20 của thế kỷ XX, chủ yếu là thanh niên. Đây là lực lượng chủ yếu cho các cuộc đấu tranh cách mạng. Ảnh tư liệu, nguồn Flickr Và đến nay, dẫu hơn 9 thập kỷ trôi qua nhưng thanh âm của tiếng trống Xô viết 1930 - 1931 vẫn mãi vang vọng trên mảnh đất xứ Nghệ, nhất là mỗi dịp tháng Chín về. Đặc biệt, tấm gương những thanh niên cách mạng thế hệ đầu tiên đã không tiếc máu xương xả thân vì dân, vì nước cách đây 91 năm mãi là động lực thúc giục lớp lớp thế hệ thanh niên Nghệ An hậu bối sống sao cho xứng đáng. Nhiều tháng nay, trong bối cảnh đại dịch Covid -19 tác động một cách sâu rộng đến mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế - xã hội, chúng ta được chứng kiến hình ảnh nhiều thanh niên Nghệ An trực tiếp xả thân trên tuyến đầu chống dịch. Thế mới thấy, dẫu bối cảnh đất nước, xã hội đã có nhiều đổi thay, song sợi chỉ đỏ từ thế hệ thanh niên Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn tiếp nối đến thế hệ thanh niên Nghệ An hôm nay. Họ đã sống xứng đáng với phẩm chất của những người con “sinh đất Hồng Lam - Vốn dòng Âu Việt”.